Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng vừa phê duyệt và công bố kết quả điều tra xã hội học sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2018.
Được biết cuộc điều tra do Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2018 bằng cách lấy ý kiến (qua phiếu khảo sát) của 2927 phụ huynh học sinh và học sinh tại một số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm GDTX trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, huyện Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu và Trường Cao đẳng Sư phạm. Các nội dung điều tra gồm: Tiếp cận dịch vụ, Cơ sở vật chất, Môi trường giáo dục, Hoạt động giáo dục và Kết quả giáo dục.
Phân bố mẫu điều tra theo hình sau:
Phân bố mẫu điều tra theo đơn vị trường học
Bộ câu hỏi khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công gồm 7 phiếu hỏi dành cho từng đối tượng. Các phiếu hỏi được ban hành kèm theo Quyết định số 2329/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 7 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ công cụ khảo sát và tài liệu hướng dẫn triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.
Kết quả điều tra cụ thể như sau:
Đối với lĩnh vực tiếp cận dịch vụ giáo dục
Nội dung khảo sát về tiếp cận dịch vụ giáo dục bao gồm các tiêu chí như: việc cung cấp thông tin từ phía nhà trường, các thủ tục hành chính, địa điểm của trường, mức học phí, các khoản đóng góp khác và các chính sách hỗ trợ nói chung.
Kết quả cho thấy: Vấn đề tiếp cận dịch vụ giáo dục công trên địa bàn tỉnh được đánh giá cao với tỉ lệ người dân hài lòng đạt gần 95% (2773/2927), bằng với tỉ lệ của năm 2017. Ngược lại, có khoảng 2% người dân (57/2927) không hài lòng khi tiếp cận dịch vụ giáo dục và có 3% người dân (97/2927) tỏ ra phân vân khi được hỏi về vấn đề này.
Đánh giá chung của người dân về tiếp cận dịch vụ giáo dục công
Đối với cơ sở vật chất của giáo dục công
Nội dung khảo sát về cơ sở vật chất của giáo dục công bao gồm các tiêu chí như: hệ thống phòng học, phòng chức năng, các thiết bị và đồ dùng dạy học, thư viện, khu sân chơi, bãi tập thể dục thể thao, khu vệ sinh, khu ký túc xá (dành cho SV) và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo.
Nhìn chung, trong 5 lĩnh vực được khảo sát, vấn đề về cơ sở vật chất ở các trường công trên địa bàn tỉnh tiếp tục là vấn đề nhận được sự hài lòng thấp nhất của người dân với tỉ lệ hài lòng chung chỉ ở mức 71% (2084/2927), thấp hơn so với năm 2017 (84%). Có đến 18% người dân không hài lòng (năm 2017 là 8%) và 11% người dân tỏ ra phân vân khi trả lời.
Đánh giá chung của người dân về cơ sở vật chất của giáo dục
công
Đối với môi trường giáo dục
Nội dung khảo sát về môi trường giáo dục được phân chia thành các tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc trưng của từng cấp, bậc học nhưng nhìn chung, người dân hài lòng về môi trường giáo dục công trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ hài lòng đạt 89% (2618/2927), thấp hơn so với năm 2017 (92%); có 3% người dân không hài lòng và 8% người dân phân vân khi trả lời.
Đánh giá chung của người dân về môi trường giáo dục công
Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo
Nhìn chung, người dân thể hiện sự hài lòng cao đối với hoạt động giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh với tỉ lệ hài lòng đạt khoảng 93% (2740/2927), đương tương với tỉ lệ khảo sát năm 2017. Có 2% tỏ ra không hài lòng và 5% phân vân khi trả lời.
Đánh giá chung của người dân về hoạt động giáo dục công
Đối với kết quả giáo dục, đào tạo
Trong năm 2018, kết quả khảo sát trên địa bàn tỉnh cho thấy người dân thể hiện sự hài lòng cao đối với kết quả giáo dục nói chung với tỉ lệ hài lòng đạt khoảng 94%, tương đương tỉ lệ năm 2017. Tỉ lệ không hài lòng và phân vân lần lượt là 1% và 5%.
Đánh giá chung của người dân về kết quả giáo dục công
Chỉ số hài lòng của người dân đối với tổng thể giáo dục công năm 2018 là 0,96, giảm 0,02 so với kết quả khảo sát năm 2017. Tương tự, các chỉ số hài lòng ở từng lĩnh vực nói riêng đa số cũng giảm (từ 0,01- 0,20). Trong đó, giảm mạnh nhất là lĩnh vực cơ sở vật chất. Tóm lại, mặc dù có giảm so với năm 2017, chỉ số hài lòng của người dân đối với tổng thể dịch vụ giáo dục công trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2018 cũng đạt khá cao (HLI = 0,96). Điều này cho thấy mặc dù vẫn còn một vài hạn chế trong từng lĩnh vực cụ thể, nhưng nhìn chung, người dân Sóc Trăng cũng đã hài lòng về tổng thể dịch vụ giáo dục của tỉnh nhà.
Qua điều tra, khảo sát, bên cạnh việc đo lường sự hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục công lập, các điều tra viên còn lấy ý kiến góp ý của người dân về dịch vụ giáo dục công. Năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 1294 ý kiến của người dân về việc nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ giáo dục công. Trong đó, có 99 ý kiến về lĩnh vực tiếp cận dịch vụ, 823 ý kiến về cơ sở vật chất, 172 ý kiến về môi trường giáo dục, 149 ý kiến về hoạt động giáo dục và 51 ý kiến về kết quả giáo dục. Cụ thể các ý kiến như sau:
- Giáo dục mầm non có nhiều ý kiến tập trung vào việc nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp như: Xây thêm phòng học; bổ sung đồ dùng, thiết bị, đồ chơi cho trẻ. Ngoài ra, cần bổ sung, sửa chữa, nâng cấp khu vệ sinh, mở rộng khu ăn, xây hàng rào xung quanh trường và lắp camera các khu lớp học. Về tiếp cận dịch vụ, cần phải công khai các khoản thu và có nhiều ý kiến yêu cầu các thủ tục hành chính cần phải sắp xếp phù hợp hơn. Về môi trường giáo dục, cần tổ chức cho HS tham quan trải nghiệm thực tế các di tích lịch sử địa phương và cần đảm bảo an toàn cho trẻ. Các ý kiến về hoạt động giáo dục chủ yếu là cần mở chuyên đề cho phụ huynh về chăm sóc trẻ. Đối với kết quả giáo dục, cần chú trọng rèn luyện phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
- Giáo dục tiểu học: tương tự như giáo dục mầm non, đa số ý kiến của cha mẹ HS tiểu học cũng đều tập trung vào việc nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp; xây thêm phòng học, thư viện, bổ sung sách các loại, mở rộng sân bãi. Một số ý kiến cho rằng môi trường xung quanh nhà trường chưa đẹp, chưa thoáng mát, cần bổ sung cây cảnh. Có ý kiến về việc cần quan tâm đầu tư máy vi tính để HS được tiếp cận công nghệ thông tin và cần cho HS học Tiếng Anh ngay từ lớp 1.
- Giáo dục trung học cơ sở: Về tiếp cận dịch vụ giáo dục, người dân mong muốn nhà trường cần đầu tư cho website của trường, cung cấp thêm nhiều dịch vụ giáo dục (như: thông báo kết quả học tập bằng tin nhắn tự động, xem lịch học và các thông báo của trường trên website,…). Một số ý kiến đề xuất việc không thu học phí đối với cấp THCS. Một số ít mong muốn nhà trường tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình; cung cấp lịch học kịp thời cho HS và phụ huynh khi có thay đổi; nhà trường cần thân thiện với phụ huynh khi phụ huynh đến liên hệ; việc vận động các khoản đóng góp của Hội CMHS nên tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường, khen thưởng cho HS hoặc GV. Vấn đề cơ sở vật chất ghi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Cụ thể như: cần đầu tư hơn nữa cho cơ sở vật chất, sửa chữa phòng học, lớp học, thiết bị điện, nhà vệ sinh; xây dựng hàng rào, mở rộng, nâng cao và lót gạch sân trường, xây nhà xe cho HS; bổ sung thiết bị dạy học, phòng chức năng, xây thư viện hiện đại, phòng lab để học tiếng Anh, nâng cấp mạng internet với đường truyền mạnh. Một số ý kiến đề xuất việc cần phải xây trường mới và xây trường trên đất công có đầy đủ phòng học, phòng chức năng, tách biệt khỏi khuôn viên chùa. Đối với các trường tại điểm lẻ, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt là phòng tin học; đầu tư đường vào trường do bị sạt lở nghiêm trọng. Về môi trường giáo dục, cần tăng cường an ninh trật tự trong và ngoài khuôn viên trường; theo dõi công tác phòng, chống bạo lực học đường; cần vệ sinh trường, lớp, nhà vệ sinh thường xuyên, trang trí phòng học thoáng mát; cắt tỉa cây xanh, trồng cây làm đẹp và tạo bóng mát. Một số ít ý kiến đề xuất việc xây dựng các công trình nên làm vào lúc nghỉ hè hoặc các ngày nghỉ để tránh gây ồn ào cho HS và cần giải tỏa nhà dân, hàng rong trước cổng trường. Hoạt động giáo dục cần chú trọng tăng cường công tác phụ đạo HS yếu kém; sắp xếp lịch học trái buổi cho hợp lý và ít buổi để các em có thời gian tự học; quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý lớp học. Hoạt động giáo dục cần tích cực hơn, có thêm các hoạt động ngoài giờ cho HS. Có ý kiến cho rằng cũng cần phải chú trọng dạy bơi cho HS. Về kết quả giáo dục, người dân mong muốn cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho HS; cần tạo động lực cho HS thi đua (như khen thưởng HS xếp loại học lực từ khá trở lên) và tổ chức nhiều hoạt động để HS và phụ huynh cùng tham gia.
- Giáo dục trung học phổ thông: Về tiếp cận dịch vụ, cả cha mẹ HS và HS đều cho rằng các thủ tục hành chính cần phải đơn giản và nhanh gọn hơn nữa. Ngoài ra, cha mẹ HS mong muốn giảm mức học phí và kịp thời có chính sách miễn, giảm học phí tại những vùng khó khăn. Về các khoản thu hoặc đóng góp do nhà trường và hội cha mẹ HS quy định thì cần phải xem xét, thống nhất định mức thu hợp lý để nhiều gia đình khó khăn còn đáp ứng được. Phía HS mong muốn trong vấn đề thông tin cần áp dụng các phương tiện hiện đại. Về cơ sở vật chất, nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục việc bổ sung, sửa chữa hệ thống bàn ghế, đèn, quạt, trang thiết bị phục vụ việc dạy học như ti vi, máy tính, máy chiếu, hóa chất, dụng cụ thực hành, thí nghiệm và sách ở thư viện. Bên cạnh đó, cần mở rộng khuôn viên trường, tạo nhiều sân chơi có cây xanh, bóng mát cho HS, xây nhà ăn, nhà xe và nâng cấp nhà vệ sinh (riêng trường THPT An Thạnh 3 có đề xuất xây dựng hồ bơi cho HS). Về môi trường giáo dục, cần tạo môi trường tự nhiên sạch sẽ, trong lành, xử lý mùi hôi, tránh đốt rác trong giờ học, bổ sung cây xanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường an ninh xung quanh trường và có biện pháp giảm tiếng ồn. Trong tổ chức hoạt động giáo dục, cần xếp thời khóa biểu hợp lý hơn, tránh dồn nhiều tiết; tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp, ngoại khóa, vui chơi, rèn kỹ năng sống cho HS; tăng cường phụ đạo đối với HS yếu, kém và có thêm biện pháp với HS cá biệt. GV cần giảng bài tích cực hơn, phối hợp giữa lý thuyết và thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin và giao việc phù hợp cho HS, tránh quá tải. Về kết quả học tập, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa; có biện pháp giúp đỡ HS yếu và bồi dưỡng HS giỏi; rèn luyện cho HS năng lực giải quyết vấn đề, chủ động nắm bắt kết quả học tập của mình và có ý thức về việc tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.
- Giáo dục thường xuyên: Đa số các ý kiến của học viên cũng đều tập trung vào việc nâng cấp cơ sở vật chất như: nâng cấp phòng học, trang bị thêm sách, thiết bị thực hành, đồ dùng học tập, quạt, bảng, tivi, máy chiếu; trang bị phòng thư viện, sân thể thao, wifi, phòng nghỉ cho học viên. Về tiếp cận dịch vụ, trung tâm cần cung cấp thêm nhiều thông tin; có chính sách hỗ trợ cho học viên ở xa và giảm bớt các khoản thu. Môi trường giáo dục cần tăng cường công tác an ninh; trồng thêm cây xanh, hoa kiểng và tăng cường vệ sinh quang cảnh, giáo dục học viên việc giữ gìn vệ sinh chung. Hoạt động giáo dục tại các trung tâm ghi nhận được một số ý kiến như cần tổ chức các chuyến tham quan học tập hướng nghiệp, cắm trại; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, văn nghệ; bổ sung môn thể dục, tin học, quốc phòng và tăng cường giáo dục đạo đức, tăng thời lượng các tiết thực hành và giảng dạy thêm nhiều kĩ năng mềm cho học viên.
- Giáo dục đại học: vấn đề cơ sở vật chất cũng là vấn đề then chốt được SV góp ý nhiều như: cần xây mới, sửa chữa phòng học, trang bị thêm máy vi tính, thiết bị, đồ dùng học tập, wifi, máy chiếu. Trong tiếp cận dịch vụ, các thủ tục hành chính cần ngắn gọn và cập nhật kịp thời các thông tin trên website của trường (như kết quả tuyển sinh). Về môi trường giáo dục, cần nâng cao ý thức mọi nguời trong việc giữ vệ sinh hồ cá, tăng cường công tác vệ sinh môi trường và an ninh trong khuôn viên trường, khu ký túc xá. Hoạt động giáo dục ghi nhận một số ít ý kiến liên quan đến việc tăng cường hoạt động tự học cũng như giảng dạy kĩ năng giao tiếp cho SV.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ kết quả điều tra, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.
Dương Thanh
Bình
Phòng TCCB, Sở GDĐT